Từ lâu, văn hóa trà đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng và tinh tế của người Việt Nam. Không quá cầu kỳ như trà đạo Nhật Bản, không huyền bí như trà Trung Hoa, thói quen uống trà của người Việt đã có từ lâu đời, giản đơn, mộc mạc và chứa đầy nghĩa tình. Trà Việt thường được chia làm ba loại là: trà hương, trà mạn và trà tươi.
Trà hương là loại trà đặc trưng của Việt Nam, thưởng thức chén trà thấm đượm hương hoa mang lại cho người uống cảm giác thư thái, dễ chịu vô cùng. Nó vừa thể hiện sự sang trọng, lịch lãm, vừa thể hiện sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người. Trong trà Việt, sáu loại hoa bắt hương nhất thường được dùng để ướp trà là: nhài, cúc, ngâu, sói, mộc và sen. Thưởng thức một chén trà Việt với màu nước trà vàng – sáng – trong – xanh, hương trà và hương hoa hòa quyện vào nhau tạo nên bao ý nghĩa sâu xa. Này nhé… vị đắng chát của trà như gợi lên nỗi vất vả, cần cù của người Việt thì vị dịu ngọt của hương hoa lại gợi đến tâm hồn người Việt giàu tình, giàu nghĩa. Có thế mà việc uống trà tưởng như giản đơn nhưng lại có thể kết nối con người ta gần nhau hơn.
Trong các loại trà hương, phổ biến nhất có lẽ là trà ướp hương nhài, loại hoa dễ trồng, có hương thơm ngào ngạt. Hương nhài thường rất “bén” với trà xanh, đặc biệt là trà Thái Nguyên, tạo nên một vị trà rất đặc trưng. Hoa cúc thường được hái vào mùa thu, phơi héo rồi cho trực tiếp vào ấm trà nóng để hương hoa quyện vào trà. Hoa ngâu cánh mỏng như giấy, mang lại cho vị trà hương thơm thoang thoảng, dìu dặt. Hoa sói lại mang hương thơm dịu và ngọt hơn. Hoa mộc li ti có mùi nồng đượm và lan xa. Mỗi dịp Tết đến, người Việt xưa thường thưởng thức thứ trà ngũ hương được chuẩn bị khá cầu kỳ. Năm loại hoa nhài, sói, ngâu, mộc, cúc được đặt trên một chiếc khay đặc biệt với năm ô trũng chứa từng loại hoa. Chén trà nhỏ sau khi tráng qua nước sôi cho nóng được úp lên từng cụm hoa, giữ khoảng ba phút cho hương hoa quyện vào. Trà nóng bỗng trở nên thơm hương lạ lùng. Có người thích rót trà với chén ướp từng loại hương riêng, nhưng có người lại chuộng uống trà có sự tổng hòa của ngũ hương.
Trà hương sen lại là một sản phẩm độc đáo của văn hóa trà Việt, với cách cho trà vào ủ giữa từng cánh sen rồi cột chặt lại và hương sen nhẹ nhàng cứ thế thấm đượm vào từng lá trà.
Ngoài ra, ta còn có trà hoa sứ. Đây là một loại trà hương đặc biệt bởi hoa sứ không thể ướp trực tiếp vào trà như các loài hoa trong ngũ hương, chỉ có thể thưởng hương bằng một chén nhỏ nóng úp lên hoa rồi dùng chính chiếc chén đó để uống trà mà thôi.
Một loại trà phổ biến khác ở Việt Nam là trà mạn, thứ trà không ướp hương nhưng chú trọng đến sự tinh tế trong cách thưởng thức trà. Trà mạn có những tiêu chuẩn phức tạp về trà, nước pha trà, ấm uống trà, cách pha trà và cách thưởng trà. Trà mạn có hai loại chính là: trà Tàu và trà thiền. Nếu như trà Tàu ảnh hưởng nhiều từ tinh thần và phong cách của trà Trung Hoa, thường thì trà thiền là cách uống trà mang nặng tính thiền, lấy trà làm duyên để hướng vào nội tâm. Trà thiền nhằm giáo dục con người, giúp người ta qua cách thưởng trà mà tu tâm
Liên hệ Zalo: http://m.me/0909900319
Xem thêm và chọn mua các sản phẩm trà tại đây !